TẾT SẺ CHIA VỚI NGƯỜI KHÔNG CÓ TẾT

Những ngày cuối năm, trong khi mọi người rộn ràng chuẩn bị đón Tết Quý Mão thì đâu đó tại các dãy nhà trọ tồi tàn, rất nhiều mảnh đời khó khăn vẫn miệt mài kiếm sống, lặng lẽ đứng bên lề mọi cuộc vui.

Như thông lệ hàng năm vào mỗi dịp Tết, Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường – thuộc Quỹ từ thiện Bông Sen – lại lên phương án giúp đỡ bà con nghèo “không có Tết” với Chương trình “Mâm cơm giao thừa”.

1 bao li xi

Được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thân hữu cùng nhà hảo tâm thân thiết trong và ngoài nước, tổng số tiền quyên góp lên đến 262,5 triệu đồng – tương đương 525 “Mâm cơm” – một kết quả vượt ngoài sự mong đợi.

Bắt đầu từ ngày 24 tháng Chạp âm lịch đến tận chiều 30 Tết, tất cả tình nguyện viên của Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường chia nhau đi khắp các quận của thành phố, thay mặt nhà hảo tâm trao tặng bao lì xì với khoản tiền 500.000 đồng mỗi bao, phụ bà con nghèo lo được mâm cơm tất niên tươm tất cùng với dĩa hoa trái cúng giao thừa đúng theo truyền thống.

1-6

Dù ngày thường hay lễ Tết, bất kể nắng gắt hay mưa dầm, ngay từ sáng sớm bà con bán vé số đã có mặt tận các hang cùng ngõ hẻm, vui với khoản tiền lời nhỏ nhoi một ngàn đồng/ một tờ vé số.      

7-12Lực lượng gần 5.000 người mua bán ve chai tại Sài Gòn đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống thu gom rác của thành phố. Phụ nữ chiếm hơn 90% mặc dù đây là nghề nặng nhọc và chịu nhiều rủi ro bệnh tật khi thường xuyên tiếp xúc với mọi loại rác phế thải.  Theo ước tính của ngành vệ sinh đô thị, hoạt động này thu gom khoảng 30% rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, chung cư và cơ sở kinh doanh toàn thành phố.

13-18Làm bạn với sương gió bụi đường, những cô-chú-anh-chị hàng rong bán nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau, có mặt ở khắp các địa bàn để phục vụ cho mọi tầng lớp dân cư. Họ có cùng điểm chung là chịu thương chịu khó với nghề buôn gánh bán bưng quanh năm cơ cực.

19-24

“Mâm cơm giao thừa” cũng được sẻ chia cho những bà con lao động nghèo khác như người sửa xe lề đường, chú đạp xích lô, cô công nhân vệ sinh và cả những cụ già neo đơn không nơi nương tựa….        

Đặc biệt, năm nay Chương trình mở rộng đến các bệnh viện, nơi bệnh nhân do hoàn cảnh eo hẹp hoặc căn bệnh ngặt nghèo đành lỡ dịp sum họp với gia đình ngày Tết. Ngoài ra, NC3-EĐT còn nhận được 24 triệu đồng của nhà hảo tâm gửi riêng cho 24 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn nhất (bao thư 1 triệu đồng/1 em).

PNT

Ngày cuối năm ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (chuyên khoa Lao và Bệnh phổi) vắng vẻ khác thường, bởi phần lớn bệnh nhân đã xuất viện về nhà ăn Tết. Cùng với những lời an ủi gieo niềm hy vọng, các tình nguyện viên ân cần trao 70  phần quà Mâm cơm giao thừa cho những người phải đón năm mới trên giường bệnh, riêng 6 bệnh nhi ung thư phổi được hỗ trợ bao thư 1 triệu đồng/em.

VIEN TIM

Ngày 29 Tết tại Viện Tim TP HCM, đại diện Phòng Công tác xã hội Viện Tim đã thay mặt các nhà hảo tâm của NC3-EĐT trao tặng 50 bao lì xì cho các bệnh nhân phải lưu lại bệnh viện trong dịp Tết.

ND2 thận

Một hình ảnh thật nhói lòng khi gặp gỡ 48 bệnh nhi đang phải chạy thận tại Đơn vị Thận nhân tạo – Bệnh viện Nhi Đồng 2. Những cháu bé thơ ngây này phải bỏ học, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, gặp thầy thuốc nhiều hơn bạn bè, tiếp xúc với kim tiêm và máy lọc máu nhiều hơn với đồ chơi. 

ND2 ung thư

Ngoài bao lì xì 500.000 đồng cho 48 em nói trên, thân nhân của 14 bệnh nhi ung thư và 4 bệnh nhi suy thận có hoàn cảnh khó khăn nhất đã nhận được hỗ trợ với bao thư 1 triệu đồng/1 bệnh nhân.

Nụ cười tươi tắn của những người lao động nghèo và niềm vui nhận được quà “lì xì” của các bệnh nhân là món quà giá trị nhất mà Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường trân trọng gửi đến tất cả các nhà hảo tâm đầy lòng nhân ái trong và ngoài nước nhân dịp Xuân Quý Mão.

Chúng tôi hy vọng sẽ có điều kiện tiếp tục thực hiện chương trình này hàng năm với sự hỗ trợ vô cùng quý báu của các nhà hảo tâm và thân hữu.

Trân trọng.

 

MÂM CƠM GIAO THỪA TẾT QUÝ MÃO 2023

GỬI GẮM CHÚT NIỀM VUI ĐẾN BÀ CON NGHÈO

Năm Quý Mão tới đây đánh dấu chặng đường 10 năm ra đời của Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường (2013-2023) với một số hoạt động mang tinh thần vì cộng đồng, qua đó không ít bà con lao động, học sinh nghèo cùng gia đình các em đã tiếp nhận kịp thời sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sài Gòn hiện đang dần đi vào những ngày cuối năm Dương lịch và tiếp ngay sau đó là Tết Âm lịch cận kề. Theo thông lệ, ngoài việc chăm lo cho các học sinh nghèo, vào dịp Tết Nguyên đán chúng tôi luôn thay mặt các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con nghèo qua những việc làm thiết thực như:

– Các chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân nghèo và thân nhân tại Bệnh viện Ung Bướu về quê miền Trung, Tây nguyên, miền Tây… sum họp gia đình cuối năm.

– Xe đưa bà con lao động nghèo về quê ăn Tết.

– Tổ chức “Phiên chợ Xuân đồng giá 2,000 đồng/món” với các mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến quà Tết như bánh, kẹo, nước ngọt… dành cho người lao động nghèo.

– Vào chiều 30 Tết, tình nguyện viên của Dự án đến Bệnh viện Ung bướu gặp gỡ các bệnh nhi do hoàn cảnh hoặc căn bệnh ngặt nghèo phải “đón năm mới tại nhà thương”, hỗ trợ thân nhân các em khoản tiền nhỏ để chăm lo món ngon cho con cháu mấy ngày đầu năm mới.  

– Riêng dịp Tết Nhân Dần 2022, Nụ Cười 3-Em Đến Trường đã thực hiện chương trình “Mâm cơm giao thừa”. Được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thân hữu cùng nhà hảo tâm thân thiết trong và ngoài nước, 420 “mâm cơm” đã được trao tận tay từng bà con nghèo.

mamcomgiaothua

Từ kết quả thành công của năm ngoái, vào dịp Tết Quý Mão tới đây, Nụ Cười 3-Em Đến Trường sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình “Mâm cơm giao thừa”.

Phần quà gồm Thiệp chúc Tết cùng khoản tiền 500 ngàn đồng, giúp mỗi gia đình có thể lo mâm cơm tươm tất chiều cuối năm và ít hoa trái cúng giao thừa theo truyền thống.

Thời điểm trao quà dự kiến vào ngày 15-1-2023 (nhằm ngày 24 tháng Chạp âm lịch). Tình nguyện viên của Dự án sẽ rong ruổi khắp các nẽo đường, trao ngẫu nhiên cho từng người lao động đang vất vả kiếm sống trong mấy ngày cận Tết.

Chúng tôi hy vọng sự chăm sóc thiết thực của bao nhiêu tấm lòng người dưng sẽ là niềm an ủi lớn đối với các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn vào những ngày năm hết Tết đến.

Thay mặt tất cả bà con nghèo, Nụ Cười 3-Em Đến Trường xin hết lòng cảm tạ sự tiếp sức của các nhà hảo tâm – thân hữu – tình nguyện viên – đã, đang và sẽ gắn bó đường dài cùng Dự án.

Trân trọng

DỰ ÁN NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG NĂM HỌC 2022-2023

* Trước ngày khai giảng năm học mới 2022-2023, được sự quan tâm của các nhà bảo trợ, học sinh-sinh viên của EĐT lãnh quà tựu trường gồm tập vở, dụng cụ học tập, mì gói, nước ngọt… Các học sinh giỏi nhận khoản tiền khen thưởng 500.000 đồng/em. Một số Laptop và Ipad (đã qua sử dụng nhưng còn mới) được phân phối cho các sinh viên và học sinh có nhu cầu nhưng không có khả năng mua sắm…. Đó là chưa kể, trên 20 em hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất, hàng tháng đều được hỗ trợ 10 ký gạo mỗi em.

Việc chăm lo chu đáo như trên của các nhà hảo tâm vượt xa sự chờ đợi của Em Đến Trường, khiến không chỉ các học sinh mà cả gia đình các em đều hết sức cảm động và vui mừng cám ơn.

* Năm học 2022-2023, đến thời điểm cuối tháng 9-2022, Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường nhận bảo trợ cho tổng cộng 83 em – gồm 69 học sinh và 14 sinh viên, với mức chi phí:

– 6,000,000 đồng/1 học sinh/1 năm học (bao gồm Học phí – 3 Bộ đồng phục – Sách giáo khoa – Bảo hiểm y tế – Bảo hiểm tai nạn).

15,000,000 đồng/1 sinh viên/1 năm học (tương đương 50% học phí trung bình của các trường đại học).

Việc mở rộng bảo trợ lên cấp Đại học đã được EĐT thực hiện kể từ năm học 2020-2021, trao thêm cơ hội cho các học sinh nghèo đã nỗ lực vượt khó, có định hướng tương lai rõ ràng và gắn bó với Dự án thời gian qua.

Tuy nhiên, dù Em Đến Trường chỉ hỗ trợ 50% học phí, nhưng tiền bảo trợ 1 sinh viên (15 triệu đồng/năm) vẫn cao hơn nhiều so với học sinh (6 triệu đồng/năm), khiến việc vận động tài trợ khó khăn hơn. Vì vậy, năm học 2022-2023 này chúng tôi tạm thời ngưng tiếp nhận học sinh mới.

Cùng với bảo trợ chuyện học, Chương trình “Suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo” cũng là một hoạt động tâm huyết mà Dự án chúng tôi bền lòng tiến hành suốt 8 năm qua.

Kể từ năm 2014, quán cơm Nụ Cười 3 nấu miễn phí suất cơm trưa vừa ngon vừa lành cho học sinh các “Trường Tình Thương miễn phí”, để giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính cho Ban phụ trách các trường, vốn phải nặng lo toàn bộ chi phí tập vở, sách giáo khoa, đồng phục và lương giáo viên.

Đến khi quán cơm Nụ Cười 3 ngưng hoạt động hồi năm 2019, chúng tôi hợp tác cùng các quán cơm Nụ Cười 1 và Nụ Cười 9 để duy trì việc cung cấp suất ăn miễn phí cho học sinh – tất cả đều là con em của những người lao động nghèo.

Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường hiện đang cung cấp 195 suất cơm trưa/ 5 ngày trong tuần cho Trường tình thương Vinh Sơn-Vĩnh Hội (Quận 4) và 110 suất cơm trưa/thứ 2,4,6 cho Trường tình thương Lasan-Tân Hưng (Quận 7) – với chi phí tổng cộng 170 triệu đồng cho năm học 2022-2023.

Cơm nhà nghèo nấu thì hầu như đạm bạc, vì vậy bữa ăn ngon miệng tại lớp không chỉ tiếp thêm động lực đến trường cho học sinh, mà còn là niềm vui cho cha mẹ các em, khi con mình được nhiều tấm lòng xa lạ chung tay chăm sóc.

Nụ Cười 3-Em Đến Trường vô cùng cám ơn các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đồng hành đường dài với chương trình “Suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo” nhiều năm qua.

Đồng thời, chúng tôi cũng trân trọng ghi nhận sự tiếp sức quí báu của 2 quán cơm Nụ Cười 1 và Nụ Cười 9, chẳng những sẵn lòng gánh bớt một phần chi phí suất cơm, mà còn chú trọng chất lượng từng bữa ăn cho trẻ em nghèo.

BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA

DỰ ÁN NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG

Như thông lệ từ nhiều năm qua, ngoài việc bảo trợ chuyện học và chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh nghèo, Dự án “Nụ cười 3-Em Đến Trường” (NC3-EĐT) cũng đồng thời tham gia một số hoạt động xã hội khác, mang chút an ủi cho những người không may mắn.

Tất cả chi phí đều do các nhà hảo tâm thân thiết đóng góp. NC3-EĐT chỉ là người trung gian, lãnh nhiệm vụ tìm cách chuyển những đồng tiền nghĩa tình đến tận tay đồng bào nghèo đang cần sự giúp đỡ.

Nhân dịp cuối năm, NC3-EĐT xin báo cáo chương trình Tết Nhâm Dần sắp tới và một số chương trình mà NC3-EĐT đã thay mặt nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo trong năm 2021.

* Tặng “Mâm cơm giao thừa” dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Hai năm dịch bệnh hoành hành cùng mấy đợt “giãn cách xã hội” đã khiến người lao động nghèo lâm cảnh sức cùng lực kiệt và dịp Tết tới đây e rằng sẽ là những ngày rất ảm đạm với họ.

Vì vậy, NC3-EĐT khởi xướng chương trình MÂM CƠM GIAO THỪA, kêu gọi các nhà hảo tâm thân thiết chung tay tặng người nghèo một mâm cơm cúng giao thừa tươm tất theo truyền thống. 

Tiến trình thực hiện:

– Vận động 300 phần quà – mỗi phần 500.000 đồng.

– Thời điểm trao quà: dự kiến vào ngày 23-1-2022 (nhằm ngày 21 tháng Chạp âm lịch).

– Vào ngày dự định, các tình nguyện viên (TNV) thân thiết sẽ nhận 30 bao thư/người, chia nhau đến các xóm trọ nghèo và rong ruổi phố phường Sài Gòn, trao ngẫu nhiên cho người lao động nghèo đang mưu sinh trong ngày giáp Tết.

– Để bảo đảm tính minh bạch, số tiền tặng 500.000 đồng được ghi rõ ngoài bao thư. Mỗi TNV sẽ chụp đủ 30 ảnh người lao động nhận bao thư quà để lưu hồ sơ.

* Hỗ trợ người lao động khuyết tật

     (1) Trao vốn sinh kế:

Tháng 11-2021, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD) đã thay mặt NC3-EĐT trao vốn sinh kế cho 15 anh chị em khuyết tật đang gặp khó khăn trong kinh doanh với số tiền 10 triệu đồng/người.

Đây là chương trình “Tín dụng nhỏ” dành cho người khuyết tật buôn bán hoặc sản xuất gia đình, đang cần vốn để duy trì hay mở rộng việc làm ăn nhằm tăng thu nhập, hoạt động theo mô hình hỗ trợ vốn không lãi suất, có thời hạn 2 năm.

Số tiền người vay vốn hoàn trả khi đáo hạn sẽ được xoay vòng để tiếp tục giúp vốn cho những người khuyết tật khác.

     (2) Tặng vốn bán vé số

Từ lâu nghề bán vé số, dù nhọc nhằn và bấp bênh, đã trở thành cơ hội cuối cho những người gần như không còn lối thoát để tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, hơn 10 ngàn người bán vé số dạo ở Sài Gòn đã thất nghiệp kể từ tháng 7-2021. Khi xổ số được phép hoạt động trở lại từ đầu tháng 11-2021 thì hầu hết đều đã cạn tiền, dù số vốn chỉ là 1 triệu đồng.

Thông thường, bán một tờ vé số lời được 1.200 đồng nếu trả tiền trước cho đại lý. Còn lấy vé trả tiền sau vào cuối ngày thì tiền lời thấp hơn, có khi chỉ được 800 đồng.

Dịp này, DRD đã thay mặt các nhà hảo tâm của NC3-EĐT trao tặng vốn cho 30 người khuyết tật bán vé số gặp khó khăn, mỗi người 1 triệu đồng, để họ tiếp tục công việc mưu sinh hàng ngày.

* Tham gia các chương trình cứu trợ khẩn cấp của Quỹ từ thiện Bông Sen

      (1) Quà cho người lao động khu vực Sài Gòn và các tỉnh bị giãn cách

Tiền của nhà hảo tâm gửi cho NC3-EĐT cũng được góp vào chương trình “Quà cho người lao động khu vực Sài Gòn và các tỉnh bị giãn cách” do Quỹ Bông Sen thực hiện, với số lượng 750 phần quà.

Mỗi phần quà trị giá 200.000 đồng gồm có gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm, nước tương, cá hộp. Tính đến ngày 14-11-2021, Quỹ Bông Sen đã thay mặt tất cả các nhà hảo tâm trong và ngoài nước trao tổng cộng 47.765 phần quà (so với mục tiêu ban đầu chỉ là 5.000 phần quà).

     (2) Tiếp tế người lao động đi xe máy về quê

Tháng 8-2021 có một sự kiện gây chấn động dư luận khi người lao động tha phương cầu thực ùn ùn rời bỏ các thành phố miền Nam – nơi trước đây họ từng kỳ vọng là vùng đất hứa. Đối diện tương lai mờ mịt trước mặt do dịch bệnh, họ đành chấp nhận hiểm nguy gồng gánh cả gia đình tay trắng trở về quê nhà bằng xe máy.

Một số nhà hảo tâm đã cấp tốc gửi tiền cho NC3-EĐT để kịp tham gia chương trình cứu trợ khẩn cấp của Quỹ Bông Sen. Các tình nguyện viên của Quỹ – cũng như đông đảo người dân ở dọc theo đường quốc lộ – đã tự dựng các điểm tiếp tế để biếu xăng, nước uống, sữa, thực phẩm cho bà con.

* Suất cơm trưa dinh dưỡng trong mùa dịch bệnh

Vài tháng qua, NC3-EĐT liên tục gửi chi phí nhờ 2 quán cơm Nụ Cười 2  Nụ Cười 4 (thuộc Quỹ Bông Sen) thay mặt nhà hảo tâm nấu một số bữa cơm trưa.

Hàng ngày, cơm hộp được mang biếu bác sĩ – y tá – bệnh nhân các bệnh viện chữa trị Covid-19 và tiếp tế cho bà con nghèo ở các khu vực bị phong tỏa. Ngoài ra, tình nguyện viên của các quán cơm cũng chia nhau đi khắp nẽo đường biếu cơm hộp cho người lao động mưu sinh trên đường phố.

* Chăm lo cho gia đình các học sinh được bảo trợ

Tiêu chí bảo trợ cho học sinh nghèo của NC3-EĐT không chỉ đơn giản là giúp chi phí học tập, mà còn làm chỗ dựa tinh thần cho học sinh và cả gia đình các em.

Điều này thể hiện qua các cuộc điện thoại đêm khuya các em nức nở gọi cho nhân viên dự án: “ba mẹ con đang đánh nhau” hay “sáng mai cả nhà con phải rời đi để trốn nợ”. Với các phụ huynh thì khi họ gặp tai nạn, ốm đau hay thất nghiệp, NC3-EĐT đều vận động nhà bảo trợ giúp đỡ trong khả năng.

Từ khi dịch bệnh bùng phát khiến không ít cha mẹ học sinh bị mất việc, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay càng thêm cơ cực. Các nhà bảo trợ đã tiếp sức cho NC3-EĐT biếu định kỳ các đợt quà – bao gồm gạo và một số nhu yếu phẩm – gửi đến toàn bộ gia đình 80 học sinh của Dự án.

 

THÔNG TIN VỀ TIỀN BẢO TRỢ HỌC PHÍ

NĂM HỌC 2021-2022

Trước ngày khai giảng năm học mới, TP HCM đã ra quyết định miễn 100% “Học phí Học kỳ 1” năm học 2021-2022 cho toàn thể học sinh công lập lẫn ngoài công lập.

Trên thực tế, số tiền được miễn giảm chỉ là một khoản nhỏ so với toàn bộ chi phí học tập của học sinh các trường công lập. Cụ thể, hiện nay tất cả các trường công lập tại TP HCM đều áp dụng 2 khoản thu như sau:

(1) Thu “Học phí công lập”: Năm học 2021-2022, số tiền này là:

– 100.000 đồng/tháng đối với Cấp 2 (từ Lớp 6 đến Lớp 9), tính ra học sinh được miễn đóng 400.000 đồng cho Học kỳ 1.

– 120.000 đồng/tháng đối với Cấp 3 (từ Lớp 10 đến Lớp 12), học sinh được miễn đóng 480.000 đồng cho Học kỳ 1.

(2) “Thu “Thỏa thuận giữa nhà trường và người học” là khoản thu có tính bắt buộc, với số tiền khác nhau tùy theo cấp lớp và tương xứng với chất lượng giảng dạy của từng trường.

Chẳng hạn năm học vừa qua, một học sinh Lớp 10 phải nộp số tiền 3.030.000 đồng cho Học kỳ 1, bao gồm:

·    Học phí công lập Học kỳ 1 (tháng 9,10,11,12-2021):120,000đ x 4 tháng = 480.000 đồng
·    Thu thỏa thuận Học kỳ 1: Phí học 2 buổi/ngày (150.000 x 4) – Tiền học thêm 3 môn tự chọn (150.000 x 4) – Tiền nước uống (35.000 x 4) – Tiền điện máy lạnh (35.000 x 4) – Sổ liên lạc điện tử (90.000đ) – Phí photo hồ sơ học cả năm (170.000đ) – Chi phí đi dã ngoại (180.000đ) – Quỹ Hội Phụ huynh Học sinh (630.000đ) = 2.550.000 đồng
* Riêng năm học 2021-2022 với việc học trực tuyến, trường hợp phụ huynh không đủ khả năng thì NC3-EĐT phải chi thêm khoản tiền 2 triệu đồng mua điện thoại thông minh (loại trung bình) cho học sinh Lớp 6.

Việc học oline có thể kéo dài suốt Học kỳ 1, đồng thời cũng có thể linh hoạt chuyển sang dạy trực tiếp tại trường, tùy thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

Vì vậy, NC3-EĐT đề nghị các nhà hảo tâm chưa đóng học phí vui lòng chờ đến cuối năm học 2021-2022, sau khi tổng kết toàn bộ chi phí thực tế, Dự án sẽ thông báo khoản tiền bảo trợ chính xác.

Với hầu hết nhà hảo tâm đã đóng tiền trọn năm học 2021-2022, NC3-EĐT sẽ bồi hoàn khoản tiền thừa (nếu có), cũng vào cuối năm học.

 

NĂM HỌC 2021-2022

TỰU TRƯỜNG THỜI “GIÃN CÁCH XÃ HỘI”

Trong tình hình TP HCM chiếm ngôi đầu cả nước về tỷ lệ nhiễm Covid-19 cùng với các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, thành phố vẫn quyết định khai giảng năm học mới vào ngày 6-9 vừa qua bằng một giải pháp tình thế là học online – trong tình hình ngành chức năng chưa có sự chuẩn bị chu đáo.

“Khó khăn” là từ được nhắc lại rất nhiều lần trong báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục-Đào tạo về việc tổ chức dạy học trực tuyến sau mấy tuần lễ đầu năm học. Có thể nói, nếu ngành Giáo dục bị áp lực một, thì dân chúng – đặc biệt là người nghèo – còn bị áp lực gấp nhiều lần.

Khó khăn thì ai cũng rõ – internet chập chờn, phần mềm học tập vừa yếu vừa thiếu. Giáo viên chỉ được tập huấn một số kỹ thuật online nhưng chưa thuần thục kỹ năng dạy trực tuyến. Học sinh không chỉ thiếu trang thiết bị học tập, mà quan trọng hơn là xưa nay vốn đã quen với phương pháp dạy học một chiều, dẫn đến tiếp thu thụ động, học tủ, học gạo – đương nhiên chưa thích ứng ngay được với phương thức học mới đòi hỏi tính tự học, chủ động, sáng tạo. Những bất cập trên đây đã khiến cho giáo viên lúng túng, phụ huynh bất an còn học sinh lo lắng, thiếu tự tin.  

Nếu việc học online kéo dài, kết quả học tập ra sao đang là nỗi lo chung của mọi người.

Đáng nói hơn cả là sau thời gian dài dịch bệnh hoành hành, những gì học sinh và giáo viên nghèo cùng gia đình trải qua đã quá sức chịu đựng. Trút thêm gánh nặng lo âu cả về tinh thần lẫn vật chất cho họ là việc làm không chỉ đáng chê mà còn đáng trách.

Năm học 2021-2022, Nụ Cười 3-Em Đến Trường nhận bảo trợ 80 học sinh và sinh viên tại Sài Gòn – trong đó đáng mừng là tất cả 6 học sinh Lớp 12 của năm ngoái đều đậu vào đại học (tỷ lệ 100%). Ngoài ra chúng tôi cũng mở rộng hỗ trợ việc học cho khoảng 20 học sinh nghèo tại thành phố Huế và mọi thủ tục sẽ hoàn tất sau khi hết “giãn cách xã hội”.  

Dịch bệnh và việc phong tòa kéo dài khiến không ít phụ huynh của học sinh bị mất việc, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm cơ cực. Từ tháng 5 đến nay, NC3-EĐT đã tiến hành biếu 3 đợt quà – bao gồm gạo và một số nhu yếu phẩm – gửi đến toàn bộ gia đình 80 học sinh được Dự án bảo trợ.

Năm học mới, chúng tôi hân hoan tiếp đón thêm một số thân hữu cùng chung tay tiếp sức. Đặc biệt, việc hầu hết các nhà hảo tâm sẵn lòng tiếp tục đồng hành với những học sinh đã được mình bảo trợ mấy năm qua, chính là sự khích lệ cho tất cả thành viên NC3-EĐT và niềm vui lớn lao cho các học sinh.

Từ nhiều năm nay, các nhà hảo tâm thân thiết trong và ngoài nước của Nụ Cười 3-Em Đến Trường luôn luôn sẵn lòng chung tay giúp đỡ đồng bào trong những cơn hoạn nạn. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM vào đầu tháng 5 đến nay, NC3-EĐT rất may mắn được làm cầu nối cho tình cảm sẻ chia này.

Khoản tiền các nhà hảo tâm gửi về được góp vào các chương trình của Quỹ Bông Sen như: Quà cho người lao động khu vực Sài Gòn và các tỉnh bị giãn cách – mà chỉ sau 4 tháng đã trao được gần 50 ngàn phần quà (so với mục tiêu ban đầu là 5 ngàn phần quà).

Hay chương trình “Tiếp tế người lao động đi xe máy về quê”, xuất phát từ sự kiện gây chấn động dư luận, khi hàng chục ngàn người tha phương cầu thực thất vọng rời bỏ các thành phố miền Nam – nơi trước đây họ từng kỳ vọng là “miền đất hứa”. Nay với tương lai mờ mịt trước mặt, họ đành lầm lũi dãi nắng dầm mưa vượt vạn dặm đường xa về quê nghèo “có rau ăn rau, có mắm ăn mắm”. 

Một chương trình cần thiết khác là hỗ trợ Quán cơm Nụ Cười 2Quán cơm Nụ Cười 4 (cũng thuộc Quỹ Bông Sen) nấu một số bữa cơm trưa. Cơm hộp được mang biếu bác sĩ – y tá – bệnh nhân các bệnh viện chữa trị Covid-19, tiếp tế cho bà con nghèo ở những khu vực bị phong tỏa. Ngoài ra các tình nguyện viên của quán cơm cũng chia nhau đi khắp nẽo đường biếu cơm cho người lao động mưu sinh đường phố.

Những đóng góp nhỏ bé này chí ít cũng mang đến nụ cười hiếm hoi cho những người đang sức cùng lực kiệt, đem lại chút an ủi rằng họ không đơn độc trong sóng gió cuộc đời.

QUỸ TỪ THIỆN BÔNG SEN HỖ TRỢ NHỮNG XÓM TRỌ NGHÈO KẸT LẠI TRONG TÂM DỊCH.

Cập nhật đợt 16 (HCM) – Chương trình tặng quà người lao động khu cách ly và ảnh người bởi dịch Covid.

Những lời kêu cứu, xin hỗ trợ liên tục đổ về các kênh thông tin của Quỹ Bông Sen trong những ngày vừa qua. Phần lớn là những người lao động mưu sinh đường phố như ve chai vé số, công nhân thất nghiệp bị kẹt lại trong tâm dịch, bị phong tỏa nhiều ngày, một số không có kinh phí và điều kiện để về quê. Những dãy trọ nghèo nhà không số, nằm hun hút trong các khu vực vùng ven khó tìm, các anh chị đã cảm ơn rất nhiều khi nhận được những gói quà nhỏ gồm gạo, cá hộp, gia vị như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt từ các tác viên và tình nguyện viên của Quỹ Bông Sen chuyển tới tận nơi. Chỉ trong 1 ngày, 899 phần quà đã được chúng tôi chuyển khắp các quận trong thành phố và cả các huyện xa như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Xin trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm: Nhóm VIETBAY, ONG TU VAN, Hội AVNES, TĂNG THÂN NỤ HỒNG, Bà Đỗ Phụng Nhã Trân đã đồng hành đóng góp kinh phí cho Quỹ Bông Sen trong đợt trao quà lần này.

*** Tính đến ngày 13/8, Quỹ Bông Sen đã trao được tổng cộng 13,722 phần quà với chi phí 2,962,598,611 đ. Tổng tiền nhận đóng góp cho chương trình trao quà người lao động khu cách ly và ảnh hưởng dịch Covid đến 13/8 là 5,022,670,980 đ.

“NĂM HỌC COVID-19” 2020-2021

Covid19 không phân biệt bất kỳ ai, nhưng ảnh hưởng đối với từng lớp người trong xã hội lại không giống nhau.

Với những gia đình lao động nghèo, một ngày “giãn cách xã hội” là một ngày bữa ăn thêm đạm bạc, dẫn đến hệ lụy dai dẳng về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có những hậu quả kéo dài đến cuối đời.

Trẻ em lại càng dễ bị tổn thương bởi những xáo trộn mà cơn đại dịch gây ra và tác động trực tiếp đến chuyện học. Đặc biệt năm vừa qua, tình trạng giãn cách xã hội khiến hầu hết các trường chuyển sang học trực tuyến. Do hạn chế trong việc tiếp cận internet và thiết bị cần thiết để học online, một số học sinh của Em Đến Trường phải rất khó khăn mới theo kịp bạn bè. 

Năm học vừa qua, cũng như mọi năm, trong tổng số 79 em được Em Đến Trường bảo trợ, có 8 học sinh vì nhiều lý do đã phải tức tưởi bỏ học giữa chừng.

Kết quả học tập cuối năm của 71 học sinh còn lại, có 30 em đạt học lực Giỏi, 33 em học lực Khá và 8 học sinh đạt mức trung bình. Với 8 trường hợp này, Dự án sẽ đắn đo cân nhắc từng hoàn cảnh cụ thể để có quyết định tiếp tục hay ngưng bảo trợ. 

Điểm khích lệ là một số học sinh ngoài thành tích tốt ở lớp còn đoạt giải cao ở các kỳ thi Học sinh Giỏi cấp Thành phố, đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại Hội thi Olympic Thành phố

Trong hoàn cảnh cuộc sống bất ổn vì đại dịch, chúng tôi đánh giá kết quả trên đây là điểm cộng học tập của các học sinh nghèo.

Năm nay, cùng với việc học văn hóa tại nhà trường, có 4 học sinh của Em Đến Trường được giới thiệu tham gia khóa học nghề tóc, bao gồm các kỹ năng về tóc như gội đầu, uốn – duỗi – nhuộm – cắt tóc, cùng với kỹ thuật làm móng, vẽ móng và trang điểm cá nhân. Toàn bộ chi phí đào tạo do Công ty L’OREAL Việt Nam tài trợ.

Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản, nếu quyết định theo nghề này thì các em sẽ được giới thiệu vào thực tập tại các tiệm làm tóc. Khi đã lành nghề, Em Đến Trường sẽ hỗ trợ các em tìm nguồn vốn để mở tiệm.

Chương trình “Suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo” được tiến hành hơn 6 năm qua. Năm học tới, Dự án sẽ hợp tác với các Quán cơm Nụ Cười 1 và Nụ Cười 9 mang bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng dành cho học sinh nghèo.

Không chỉ Em Đến Trường mà Quán cơm Nụ Cười 4 từ mấy năm qua cũng hỗ trợ cho 2 Trường Tình Thương Vinh Sơn-Chợ Quán và La San-Tân Hưng tổng cộng 235 suất ăn trưa miễn phí vào thứ Ba và thứ Năm hàng tuần. Ngoài ra, hàng tháng các nhà hảo tâm của Em Đến Trường đều đặn tài trợ chi phí nhờ Quán cơm Nụ Cười 4 nấu một món ngon đãi bà con nghèo và học sinh như: bún bò Huế, phở gà, hủ tiếu…..

Chương trình mở rộng phạm vi hoạt động đến những vùng sâu vùng xa do Em Đến Trường kết hợp với Quán cơm Nụ Cười 2 tiến hành từ năm học 2021-2022, bắt đầu bằng việc nhận bảo trợ khoảng 20 học sinh là con em các gia đình cực nghèo tại miền Trung.

Những học sinh này sẽ được các tình nguyện viên của Dự án – là người sống tại địa phương – phụ trách liên hệ, quan tâm đến việc học của các em, đồng thời làm cầu nối giữa học sinh và Em Đến Trường.

Thật may mắn là từ hơn 6 năm qua, Em Đến Trường đã luôn được các nhà hảo tâm bền lòng sát cánh cùng chăm lo chuyện học cho những học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Năm học 2021-2022 tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục công việc thầm lặng này, trao cho con em những gia đình lao động nghèo một cơ hội để các em có thể tự thay đổi số phận.

Đại dịch Covid đã tác động khốc liệt vào đời sống xã hội và người lao động nghèo là thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong tình cảnh đó, Nụ cười 3- Em Đến Trường tìm cách bù đắp phần nào những thiệt thòi cho 80 học sinh – con em những người lao động nghèo – đang được bảo trợ, không chỉ về mặt đời sống mà cả về những dự định tương lai cho các em.

Báo cáo này được gửi đến các nhà hảo tâm, ngoài đúc kết tình hình học tập, còn mang đến một tín hiệu tích cực: dù khó khăn mọi bề nhưng phần lớn các gia đình vẫn xoay sở cho con em tiếp tục đến trường.

Chung sức với phụ huynh, chúng ta bền lòng gieo cho các em niềm tin về một tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Hỗ trợ quà cho gia đình học sinh đợt dịch Covid-19

Năm học 2019-2020, trong tổng số 78 học sinh được NC3-EĐT bảo trợ, đã có 6 em vì hoàn cảnh đành phải bỏ học giữa chừng.

Kết quả học tập cuối năm gồm 26 học sinh Giỏi, 40 đạt học lực Khá và 6 em học lực Trung bình.

Điều khích lệ là có tổng cộng 46 em đạt Điểm trung bình cuối năm từ 8/10 đến 10/10 (chiếm 64%), qua đó Dự án ghi nhận nỗ lực của các học sinh đã rất cố gắng học tập, trong hoàn cảnh các em không có 100% thì giờ dành cho việc học như hầu hết bạn bè cùng trang lứa.

 Học sinh nhận quà tựu trường của các nhà hảo tâm tặng

Từ năm học này, Dự án đặt trọng tâm bồi dưỡng môn Vi tính căn bản và Anh văn giao tiếp, ngoài việc giúp học sinh theo kịp bạn bè trong lớp, còn tạo thêm lợi thế cho các em khi đi làm thêm ngoài giờ học và dịp hè.

Những học sinh gia cảnh túng quẫn buộc phải đi làm sớm thì được khuyến khích chuyển sang học trường đào tạo nghề ngay khi hoàn tất Lớp 9. Các em tiếp tục vừa học văn hóa vừa học nghề để rút ngắn thời gian, khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng trung cấp nghề lẫn bằng bổ túc văn hóa. Sau khi có việc làm và thu nhập ổn định thì có thể học lên cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu.

Dự án cũng nỗ lực liên hệ các trường dạy nghề xin hỗ trợ giảm học phí, đồng thời tìm kiếm những suất học nghề ngắn hạn miễn phí, để học sinh có thêm cơ hội chọn lựa.

Bước vào năm học mới, Dự án quyết định ngưng bảo trợ 7 học sinh cũ (gồm 3 em – do gia đình có thể tự lo và 4 em – do không chuyên cần học tập), đồng thời tiếp nhận thêm 15 học sinh mới, sau khi đã xác minh hoàn cảnh.            

Tổng số học sinh được bảo trợ năm học 2020-2021 là 80 gồm: 1 HS cấp 1 / 43 HS cấp 2 / 31 HS cấp 3 / 1 sinh viên Cao đẳng Kinh tế / cùng với 4 HS vừa tốt nghiệp Lớp 12 đang chờ kết quả tuyển sinh vào đại học và cao đẳng.

Như vậy, kể từ năm học này, Nụ Cười 3-Em Đến Trường mở rộng việc bảo trợ dành cho học sinh tốt nghiệp Lớp 12 và thi đậu vào trường đại học hoặc cao đẳng. Việc bảo trợ này tùy thuộc vào khả năng vận động tài chính của Dự án và ngành nghề các em theo học.

Đây là một cố gắng của Nụ Cười 3-Em Đến Trường, đồng hành đường dài cùng các học sinh đã gắn bó với Dự án những năm qua.

“Suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo” vẫn là hoạt động thầm lặng của Nụ Cười 3-Em Đến Trường, 6 năm qua đã cung cấp hơn 300.000 suất cơm trưa cho học sinh các Trường tình thương.

Năm học 2020-2021 này, Dự án tiếp tục hỗ trợ cho 3 Trường tình thương gồm: Vinh Sơn Vĩnh Hội – Quận 4 (200 suất), La san Tân Hưng – Quận 7 (110 suất) và Vinh Sơn Chợ Quán – Quận 5 (120 suất).

Những gương mặt dễ thương, nụ cười rạng rỡ của các em luôn là nguồn động lực tiếp sức cho các thành viên Nụ Cười 3-Em Đến Trường.

THƯ NGỎ CUỐI NĂM HỌC 2019-2020

Theo thông lệ hàng năm, dịp cuối niên học vào tháng 5 Dự án “Nụ cười 3 – Em đến trường” luôn gửi thông tin tình hình học tập của học sinh đến các nhà hảo tâm cũng như nhà bảo trợ.

Thế nhưng do bị tác động của đại dịch Covid-19, niên học 2019-2020 đã kéo dài đến tháng 7, cá biệt có trường đến giữa tháng 8 mới hoàn tất chương trình học. Vì vậy, phải đến cuối tháng 8-2020 chúng tôi mới có thể hoàn tất hồ sơ tổng kết để đánh giá những cố gắng của 78 học sinh và gửi đến các nhà bảo trợ.

Vừa qua, đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết người lao động nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề. Rất may nhờ có sự tiếp sức của nhiều nhà hảo tâm thân thiết trong và ngoài nước, gia đình các học sinh nghèo của Nụ Cười 3 – Em đến trường đã nhận được 2 đợt hỗ trợ với những món quà thiết thực như: gạo, mì gói, lạp xưởng, nước mắm, nước tương, dầu ăn, đường, sữa… đỡ đần nhau qua cơn ngặt nghèo.

Điều đáng mừng, dù khó khăn mọi bề nhưng phần lớn các gia đình vẫn kiên trì xoay sở sao cho con em mình được tiếp tục việc học. Đây là một tín hiệu tích cực khiến chúng ta càng vững tin trong việc làm thiện nguyện này.

Chúng tôi mong ước sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho niên học 2020-2021 sắp đến, giúp Nụ Cười 3-Em đến trường thêm điều kiện và động lực trong hoạt động chia sẻ khó khăn của học sinh nghèo và gia đình các em.

 

THƯ NGỎ

Kể từ khi thành lập vào tháng 5-2013, sau gần 6 năm tận lực gầy dựng quán cơm 2.000 đồng, đến năm 2019,  hoạt động của Nụ Cười 3 đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả tốt, nhận được sự tin cậy của cả thực khách là những người lao động nghèo lẫn nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Vì vậy, Ban điều hành Nụ Cười 3 đã có thể an tâm giao lại cho Quỹ từ thiện Bông Sen tìm người đứng ra chịu trách nhiệm tiếp tục điều hành quán cơm, để toàn tâm toàn ý tập trung cho dự án “NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG”, nay đã chính thức trở thành một dự án của Quỹ từ thiện Bông Sen có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. 

Dự án giáo dục này gồm 2 chương trình miễn phí:

(1) Lo việc học cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn (Năm học 2019-2020 đang bảo trợ 78 học sinh từ Lớp 6 đến Lớp 12, gồm học phí, sách giáo khoa, đồng phục và bảo hiểm y tế).

(2) Cung cấp suất ăn dinh dưỡng cho học sinh nghèo (Hiện đang lo cơm trưa vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu cho khoảng 400 học sinh của các Trường tình thương: Vĩnh Hội (Quận 4), Chợ Quán (Quận 5) và Tân Hưng (Quận 7).

Với niềm tin chỉ thông qua giáo dục mới có thể giúp trẻ em nghèo cơ may thay đổi được số phận, chúng tôi sẽ đóng góp tất cả năng lực của mình để NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG hoạt động được lâu dài và phát triển vững mạnh. Trong tương lai, những thành viên trẻ nhiệt tình sẽ kế tục điều hành chương trình này, đồng thời khuyến khích các học sinh từng được dự án bảo trợ sẵn lòng gắn bó với NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG như một cách đền đáp xã hội đã cưu mang.    

Chúng tôi hy vọng mọi mong ước trên đây sẽ trở thành hiện thực với sự tiếp sức của các nhà hảo tâm và các thân hữu cùng đồng hành với “NỤ CƯỜI 3-EM ĐẾN TRƯỜNG”, mang đến cho những đứa trẻ kém may mắn một tương lai sáng sủa hơn.

Mọi đóng góp của nhà hảo tâm xin vui lòng gửi về:

* Tiền mặt: 
Địa chỉ: C5 – Khu dân cư Nam Long, Phường Phú Thuận, Quận 7, TP HCM

Điện thoại: Cô Tuyết Huệ (090 6365090)

* Chuyển khoản qua ngân hàng:
EXIMBANK – Phòng giao dịch Đa Kao

Tên tài khoản: Quỹ từ thiện Bông Sen
Số tài khoản: 22108 06890 00033
Swift: EBVIVNVXTTD 
Ghi chú: Đóng góp cho Dự án Nụ Cười 3 – Em Đến Trường

Xin chân thành cám ơn.

Các học sinh được bảo trợ Niên học 2018-2019 – Lớp 6 

(chụp cùng các tình nguyện viên cao niên của Nụ Cười 3)

Các học sinh được bảo trợ Niên học 2018-2019 – Lớp 8 – Lớp 9 

Lo cơm trưa cho học sinh các Lớp học tình thương

Cơm trưa cho các Lớp học tình thương

Địa chỉ:  C5 – Khu dân cư Nam Long, Phường Phú Thuận, Quận 7, TP HCM

Điện thoại: 028 3636 6451 – 091 969 0706

Emailnc3emdentruong@gmail.com 

Facebook: Nụ Cười 3-Em Đến Trường

Website: nc3emdentruong.com

VUI BUỒN CUỐI NĂM HỌC

Sau gần 5 năm bảo trợ cho học sinh nghèo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Dự án Nụ cười 3-Em Đến Trường đã tiếp sức đáng kể trong việc tạo điều kiện cho các em được tiếp tục đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Thế nhưng qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi nhận ra rằng chừng đó vẫn chưa đủ. Cuộc sống của gia đình nghèo thường xuyên không ổn định khiến các em luôn gặp nhiều trở ngại trên con đường học vấn, mà rõ nét nhất là năm nào cũng vậy, nhiều học sinh dù được  Em Đến Trường quan tâm chăm lo vẫn không đạt được tiến bộ như mong mỏi, một số em do bị tác động bởi những chuyện không may xảy ra trong gia đình đã phải tức tưởi bỏ học.

Rõ ràng những cố gắng lâu nay của chúng ta cũng chỉ mới trao “con cá” mà chưa trang bị một kỹ năng sống cho các em, đó là chiếc “cần câu” như người đời thường nói.
Vì vậy trong năm học tới đây, bên cạnh việc chăm lo chuyện học tại nhà trường, chúng tôi sắp xếp cho các em những giờ học về lối sống, về những điều tối thiểu cần biết để có thể tự lập, để phát huy năng lực bản thân – với tinh thần chấp nhận cảnh ngộ và nhẫn nại vượt khó.

Đó là lý do “Lớp Dạy Thêm” được ra đời. Ngoài việc giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản các môn học, mục tiêu quan trọng của lớp học này là tổ chức những buổi gặp gỡ “vừa học vừa chơi”, hướng đến việc gieo cho các em niềm tin có thể biến những “áp lực” của hoàn cảnh trở thành “động lực” để cải thiện số phận.

Thay mặt những học sinh nghèo đang được bảo trợ, chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đã và đang chung tay sát cánh cùng các thành viên Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường trên hành trình dài không ít gian nan này, với cùng một mong ước thiết tha là giúp trẻ em nghèo biến ước mơ thay đổi số phận thành hiện thực.   

Phát thưởng cho học sinh giỏi cuối năm học

KẾT THÚC NĂM HỌC 2018-2019

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn – câu hát mở đầu của ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” trong chừng mực nào đó thật phù hợp với tâm trạng của những thành viên Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường vào mỗi cuối niên học.

Kết thúc năm 2018-2019, trong số 60 em được Dự án bảo trợ, chỉ có 44 học sinh đạt học lực giỏi và khá. Kết quả chưa được như kỳ vọng này khiến tất cả chúng tôi đều ưu tư, cho dù nguyên nhân nằm ở tiêu chí đặt ra ngay từ đầu của Dự án.

Thông thường, hầu hết những suất học bổng trong xã hội là dành cho học sinh “nhà nghèo – học giỏi”. Riêng Nụ Cười 3-Em Đến Trường đặt tiêu chí ưu tiên cho trẻ em “nhà nghèo – ham học”, đặc biệt là học sinh cấp 2, lứa tuổi chưa thể tự lo cho mình, trong khi hoàn cảnh chật vật khiến gia đình phải ưu tiên cho việc kiếm sống hơn là chuyện học hành của con em.

Gia cảnh nghèo mỗi nhà khó khăn một vẻ, rất may hầu hết các em vẫn tràn đầy ước mơ với niềm hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều được tạo điều kiện để tập trung chuyện học, mà những đôi vai bé bỏng phải sớm gánh vác việc mưu sinh phụ giúp gia đình. Sau giờ tan trường, một số học sinh miệt mài cuốc bộ bán vé số, mua ve chai, quần quật bưng bê, phục vụ, rửa chén trong các quán xá ban đêm cần lao động rẻ mạt… Chính vì vậy các em này tuy rất cố gắng nhưng khó theo kịp bạn bè.

Năm học vừa qua, cũng như mọi năm, không ít học sinh của Em Đến Trường có cha mẹ bị thất nghiệp, bị tai nạn lao động; hoặc vợ chồng chia tay khiến con cái tan đàn sẻ nghé; hay do không còn khả năng trả nợ vay nặng lãi nên cha mẹ đành gởi con cho người quen để lánh đi nơi khác; thậm chí có em thường xuyên bị cha bạo hành sau mỗi cơn say….  Kết quả tất yếu một số học sinh đã xao lãng chuyện học và đáng buồn là trong số này có 6 em phải giã từ đèn sách ngay giữa năm học 2018-2019.

Điều làm các thành viên Em Đến Trường nặng lòng nhất là năm nay có đến 16 học sinh học lực “Trung bình” và “Yếu”. Chúng tôi phải hết sức đắn đo, bàn bạc rất nhiều, thận trọng xem xét từng hoàn cảnh cụ thể. Sau khi cân nhắc mọi mặt, Dự án quyết định tiếp tục bảo trợ thêm một năm cho 7 học sinh có học lực “Trung bình” và mong sao các em sẽ tận dụng cơ may cuối cùng này.

Em Đến Trường rất tiếc nuối đành phải ngưng bảo trợ 9 học sinh trong số 16 học sinh nói trên, vì hai lý do: hoặc các em không còn ham học dù đã được nhắc nhở khuyên nhủ, hoặc phụ huynh không quan tâm hợp tác với Dự án.

Vậy là năm học tới, trong tổng số 60 học sinh cũ thì chỉ có 45 em tiếp tục được bảo trợ.

Như thông lệ, hàng năm Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường đều tiếp nhận thêm những học sinh mới, sau khi đã xác minh từng hoàn cảnh. Năm học 2019-2020 chúng tôi rất vui tiếp nhận 35 em bổ sung vào danh sách, nâng tổng số học sinh được bảo trợ lên 80 em, bao gồm: 1 học sinh cấp 1, 48 học sinh cấp 2, 30 học sinh cấp 3 và 1 học sinh Cao đẳng.

Từ vài năm qua, với sự cộng tác nhiệt tình của các tình nguyện viên – đa số có kinh nghiệm dạy học tại các cơ sở từ thiện – Em Đến Trường đã tổ chức thử nghiệm vài lớp dạy thêm để kèm cặp cho một số học sinh yếu và đã đạt được kết quả khả quan.

Ngày 15-6 vừa qua, “Lớp Dạy Thêm” chính thức khai giảng lớp học hè, trước mắt tập trung vào các môn Toán, Anh văn để giúp các học sinh yếu có thể theo kịp bạn bè và những em giỏi đạt trình độ cao hơn. Một nội dung quan trọng khác của lớp học này là Giáo dục nhân cách (lễ nghĩa chuẩn mực, kỹ năng tự bảo vệ, giao tiếp xã hội) với mong muốn các em không chỉ tiến bộ trong học tập mà còn hoàn thiện tính cách.

 Các lớp học hè môn Toán, Anh văn tại “Lớp Dạy Thêm”

Học sinh nghỉ giải lao tại “Góc đọc sách” của lớp học

Dự án Nụ Cười 3-Em Đến Trường ngoài bảo trợ chuyện học còn có chương trình “Cung cấp suất ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh nghèo”.

Từ năm 2014 đến nay, vào các ngày thứ Hai – Tư – Sáu, Dự án đều đặn mang đến suất cơm trưa vừa ngon vừa lành cho học sinh các Lớp học tình thương, để chia sẻ phần nào gánh nặng chi phí với Ban phụ trách những lớp học tình nghĩa này.

Nhờ sự giúp đỡ đường dài của các nhà hảo tâm thân thiết, hiện chúng tôi đang cung cấp tổng cộng gần 400 suất cơm dinh dưỡng cho các Lớp học tình thương: Bà Huyện Thanh Quan (Quận 1), Vĩnh Hội (Quận 4), Chợ Quán (Quận 5) và Tân Hưng (Quận 7).

Giờ cơm trưa tại LHTT Bà Huyện Thanh Quan và LHTT Chợ Quán

Giờ cơm trưa tại LHTT Vĩnh Hội và LHTT Tân Hưng

 

“EM ĐẾN TRƯỜNG” – VỮNG VÀNG TUỔI LÊN 5

Những ngày tháng 5 nóng gay gắt cũng là lúc nhiều ngôi trường được điểm tô màu rực đỏ của hoa phượng – báo hiệu mùa hè sắp đến.

Cùng với niềm vui sẽ được rong chơi thỏa thích trong những ngày hè, dịp bãi trường cũng mang nhiều cảm xúc cho lứa tuổi học trò, khi phải tạm chia tay trường lớp, thầy cô, bạn bè.

Riêng đối với phần lớn học sinh nghèo vừa hoàn tất bậc tiểu học tại các LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG miễn phí, cảm xúc ấy còn pha lẫn chút hoang mang – khi các em có thể phải xa rời trường lớp, thầy cô, bạn bè mãi mãi.

Những học sinh này 5 năm trước đây tưởng đã phải chịu cảnh thất học, nếu không có các LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG sẵn sàng tiếp nhận, nhờ vậy mà các em được đến trường từ Lớp 1 đến hết Lớp 5.

Nhưng sau khi xong Cấp 1 thì khó tìm được một nơi dạy miễn phí dành cho Cấp 2. Vì vậy, ngoài một ít học sinh được gia đình cố gắng lo cho tiếp tục vào Lớp 6, số còn lại đành phải bỏ học và một lần nữa cánh cửa học đường dửng dưng đóng sập trước các em.

Đó chính là lý do Chương trình EM ĐẾN TRƯỜNG từ khi hoạt động đến nay đã ưu tiên bảo trợ cho học sinh Cấp 2, vì các em chưa tự lo được cho mình, trong khi gia đình thuộc lớp người lao động chật vật ăn bữa nay lo bữa mai nên bỏ lơ chuyện học của con em.

Các học sinh vừa hoàn thành bậc tiểu học tại LHTT Vinh Sơn đến Nụ Cười 3 ăn trưa và chào tạm biệt các tình nguyện viên của quán cơm.

Trong tổng số học sinh được EM ĐẾN TRƯỜNG bảo trợ thì các em có đầy đủ cha mẹ chỉ là số ít. Có em mồ côi cha hoặc mẹ, có em cha mẹ đã chắp nối gia đình riêng nên giao con cho ông, bà hoặc cô, cậu cưu mang. Có em cha nghiện ngập, em khác cha suốt ngày say xỉn, em thì mẹ chẳng may sa vòng tù tội, hoặc phải lánh mặt bỏ đi xa để trốn nợ… Hầu hết không chỉ thiếu thốn về vật chất mà cả sự quan tâm đầy đủ của người thân quanh năm đầu tắt mặt tối vất vả với chuyện áo cơm.

Được sự tiếp sức của các nhân viên dự án là các bạn trẻ nhiệt tình với hoạt động cộng đồng, Chương trình EM ĐẾN TRƯỜNG phân công mỗi bạn “đỡ đầu” 10 học sinh trong suốt năm học.

Bằng tình cm chân thành, các tình nguyện viên này sẵn sàng lắng nghe các em chia sẻ những khó khăn trong học tập hay khúc mắc trong đời sống hàng ngày, qua đó sẽ cùng Ban điều hành EM ĐẾN TRƯỜNG trao đổi với gia đình để kịp thời giúp các em vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo.

Năm học 2018-2019 sắp tới, ngoài số học sinh cũ, EM ĐẾN TRƯỜNG dự kiến nhận thêm khoảng 30 học sinh mới do các LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG giới thiệu, đưa số học sinh được bảo trợ lên tổng cộng 60 em.

Học sinh được lo toàn bộ chi phí bao gồm (1) Học phí, (2) Bảo hiểm y tế và tai nạn, (3) Sách giáo khoa, (4) Đồng phục.

Các em còn có thể đến ăn trưa miễn phí tại NỤ CƯỜI 3, vào dịp hè thì được khuyến khích học thêm miễn phí các môn Anh văn và Toán.

Kết thúc năm học 2017-2018, tổng số tiền hỗ trợ cho 31 học sinh (từ lớp 4 đến lớp 10) lên đến 161.514.000 đồng (mức thấp nhất là 2.157.000 đồng/em/năm học, cao nhất là 7.924.000đồng/em/năm học) – tính trung bình chi phí cho mỗi em là 5.210.000 đồng.

Một lớp học hè môn Anh văn mở tại Quán cơm Nụ Cười 3

Việc bảo trợ cho mỗi học sinh được xét lại từng năm, dựa theo kết quả học tập và dựa theo sự hợp tác của phụ huynh.

Việc xem xét này không đặt nặng điều kiện “nếu không đạt kết quả tốt thì không tiếp tục bảo trợ”, mà căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của từng học sinh, với hai tiêu chí là các em phải thật sự “ham học” và “có tiến bộ trong việc học”.

Có thể kể ra đây vài hoàn cảnh điển hình của các em trong những năm học vừa qua.

– Một số học sinh sau giờ tan học phải phụ gia đình kiếm sống như bán vé số, mua ve chai, giúp mẹ rửa chén ở quán ăn, phụ bán hàng rong với cô hay dì… nên hầu như không có thì giờ học bài, làm bài ở nhà. Kết quả là dù điểm thi các môn chính đều cao nhưng các môn học thuộc lòng lại không tốt, nên kết quả cuối năm vẫn chỉ ở mức trung bình khá.

– Có những em cha mẹ bất ngờ mất việc làm hay ngã bệnh thình lình, thu nhập gia đình bị giảm đột ngột ảnh hưởng đến bữa ăn hàng ngày thì việc học lập tức bị trì trệ ngay. Đó là lý do tại sao em đang học giỏi Học kỳ I bỗng nhiên sa sút ở Học kỳ 2.

– Kể cả khi trong nhà có anh, em, ông, bà bị bệnh thì chính các em – dù mới 12, 13 tuổi đầu – phải nghỉ học để nuôi bệnh một thời gian, bởi người lớn trong gia đình không dám bỏ làm để chăm sóc người bệnh vì sợ mất việc. Điều này tất nhiên ảnh hưởng rất nặng nề đến kết quả học tập .

Chúng tôi quan niệm việc bảo trợ cho các em cũng giống như trao chiếc phao giúp một số phận đang chới với hụt hẫng giữa dòng xoáy cuộc đời.

Vì vậy cứ vào mỗi cuối năm học, Ban điều hành EM ĐẾN TRƯỜNG luôn hết sức đắn đo trước khi đi đến quyết định khó khăn là “rút phao” và quay lưng với một số phận.

21 học sinh của các LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG được tiếp tục học lên Lớp 6, năm học 2018-2019 do EM ĐẾN TRƯỜNG bảo trợ.

Một nhà văn hải ngoại đã viết rằng: “Tuổi thơ của đám trẻ Việt Made in  USA thật thái bình, không sợ hãi, không lo toan. Một tuổi thơ tôi e sau này khi đã về già, không có gì để kể lại con cháu”.

Theo cách nhìn ấy thì đám trẻ của EM ĐẾN TRƯỜNG sau này sẽ có biết bao kỷ niệm vui buồn trong hành trình vượt qua số phận để làm quà cho con cháu.

Một điểm sáng là ngay giờ đây trong tâm trí các em đã được ươm mầm hướng thiện, khi biết rằng nhiều thành viên của EM ĐẾN TRƯỜNG đang chăm lo cho các em, trước đây cũng trải qua hoàn cảnh hết sức khó khăn, từng sống qua ngày với những bữa cơm từ thiện, nhờ học bổng xã hội cưu mang mới có cơ hội hoàn tất giấc mơ đại học. Để rồi giờ đây, các cô-chú-anh-chị lại tiếp nối việc làm thiện nguyện như một cách trả ơn đời. Mong sao kinh nghiệm vượt khó của người đi trước sẽ là bài học thực tế đầy thuyết phục đối với các em.

Giúp trẻ em con nhà nghèo được cắp sách đến trường để may ra có được một tương lai sáng sủa hơn, hay ít nhất là đỡ khổ hơn cha mẹ các em –chúng tôi tin rằng đó cũng là tâm nguyện của rất nhiều tấm lòng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã đồng hành suốt thời gian qua, nuôi dưỡngEM ĐẾN TRƯỜNG vững vàng bước vào tuổi lên 5.

 

NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐÓI… CHỮ

Bùi Thanh Xuân – 12 tuổi – nằm nghiêng, quay mặt ra rạch Bà Bướm (P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), ôm ấp một hàng bốn con búp bê nhỏ xíu đặt gọn trong lòng. Phía sau lưng em, bóng đêm đã kịp phủ xuống dù chiều chỉ mới nhập nhoạng phía bên ngoài. Con thuyền cũ được quây lại để làm thành một mái nhà đã không còn một ánh sáng nào lọt vào, ngoài luồng sáng yếu ớt phản chiếu từ mặt sông, hắt ngang qua người đứa trẻ đang nằm ngang lại chỗ mũi thuyền. Chỗ đó là thế giới của Xuân.

ÁNH SÁNG LÀ MỘT MÓN QUÀ

Bữa ấy là rằm tháng Tư, vợ chồng chị Thúy chèo cái ghe nhỏ xíu về đến cái ghe nát dựng sát mé sông thì Xuân chồm dậy, nói với ra khoe: “Ngày nay con ăn được ba gói mì đó mẹ”. Anh Thành quăng mái chèo, cười: “Giỏi quá hén! Rồi có học được chữ nào không?”. Giọng đứa nhỏ ỉu xìu: “Cái đèn hết pin rồi, tối quá nên con xếp tập cất rồi”. Chuyện học hành của đứa nhỏ mong manh như ánh đèn cứ dăm bữa lại chực tắt, mà chủ nhân của nó thì lại quá bận bịu để lặn lội ra ngoài lộ thay pin.

Sài Gòn vừa vào mùa mưa. Mới 18g, “xóm ghe” đã tối mịt. Cái rậm rạp u tối của những lùm cây trước mặt như phủ lên những “mái nhà” tạm bợ mà dưới là con ghe cũ, trên là tấm bạt xanh lẫn chìm trong bóng tối. Xóm có chừng 5 “nhà”, mỗi nhà là chiếc ghe được níu lại mặt đất bằng một vài miếng gỗ cũ, vừa cố định, vừa làm giàn để lót một cái “sàn nhà”, làm căn bếp. Nhưng người ta chỉ ở đó để làm cá, đến tối, cả xóm về hết, chỉ gia đình anh Thành, chị Thúy trong căn nhà ghe – cũng là nơi “thường trú” duy nhất suốt 15 năm trời. Nhìn về phía trước, mặt nước vẫn lấp lóa ánh sáng rọi xuống từ cầu Phú Mỹ đang xây dựng bên kia sông. Nhưng ở phía sau, bụi cây dại um tùm như quây giữ mái nhà tạm bợ khỏi một khu đất trống bạt ngàn im lặng của một siêu công trình về đêm. Cách xa thành thị, xa cả ánh đèn.

Trước và sau nhà là cách mà Xuân quy ước, vì nó thích nhà nó nhìn ra sông hơn là cái bụi cây um tùm với con đường đất cứ 10 ngày thì hết 9 ngày nhão nhoẹt. Nhà không có điện. Cái đèn hết pin mà Xuân vừa nhắc là quà sinh nhật của các bạn trong lớp tình thương tặng. Hôm đó, chị Thúy làm một bữa tiệc ngọt, rồi ra ngoài lộ, dắt từng đứa trẻ băng qua khu công trình, xuống chơi với Xuân. Biết nhà bạn không có điện, đứa trẻ nào cũng mang đến một món quà “bật sáng được”. Buổi tiệc không đèn vô tình trở thành “sân khấu” thần kỳ của những món quà phát sáng. Bọn trẻ vui như hội. Lúc chị Thúy vụng về miêu tả cho bằng được cái “quả cầu có công tắc bật đèn màu xanh đỏ” hay cái “que sáng hình cây bút”, Xuân lẳng lặng về chiếc “giường” cao ngay mũi ghe, đem hết từng món quà ra bật lên, khoe. Cái đèn pin kiểu công chúa, dăm bảy cái móc chìa khóa hình quả cầu phát sáng màu xanh đỏ cộng lại, rực cả một con ghe không đèn, lấp lóa dòng nước mắt trên gương mặt người đàn bà đang cơn mủi lòng.

Những đứa trẻ đói...chữ
Trò chơi ánh sáng

“Bạn bè”, “lớp học”, “ánh sáng” là những nỗi ám ảnh mà hễ vô tình nhắc đến, người ta lại dễ nhận ra cái ngọng nghịu, run rẩy trong giọng nói của chị Thúy. 5 năm Xuân học ở lớp học tình thương là 5 năm trời chị Thúy có mặt cùng con trên mọi bước đường đến lớp. Trời nắng, chị cột thúng cá phía sau, chở con đến thả xuống trước lớp xong mới vòng về con hẻm trên đường Gò Ô Môi, bán hết mớ cá sông mà vợ chồng vừa gỡ được trong đêm, rồi vòng qua, rước con về. Nhà ở trong khu ngập của P.Phú Thuận, lại cách đường phố cả một khu đất trống bạt ngàn nên hễ trời mưa, gia đình chị Thúy như bị cô lập sau một con đường dài lầy lội. Những ngày đó, Xuân lại đến trường trên vai mẹ. Anh Thành phải bỏ một buổi ra vá lưới, bưng thúng cá ra ngoài lộ, đợi chị đưa con đến lớp rồi quay về bán. Buổi trưa, mẹ tan chợ, con tan học, dắt díu về đến nhà có khi đã ướt sũng sau đoạn đường đầm mình dưới những vũng nước sâu ngang nửa người đứa nhỏ.

Đường học quá gian nan. Mấy buổi chiều con xong việc thi cử, chị Thúy thường đưa Xuân theo để phụ gỡ lưới cá. Đứa nhỏ lúc đầu còn luống cuống mừng vì được theo mẹ. Phải đến hôm có gió, đường sông tròng trành, sóng quật như muốn lật úp con thuyền mà cái lưới chỉ trơ trọi một nắm cá lòng tong, chị Thúy mới ôm đứa nhỏ đang xanh lè vì say sóng và sợ hãi vào lòng, dặn: “Phải ráng học cho đỡ khổ nghe con”.

Tưởng đã gieo được vào con một niềm tin về con chữ, nhưng về sau, câu nói đó cứ làm chị ân hận khi nhìn đứa trẻ nằm vật ra khóc sau cái tin giải tán lớp học. Cuộc mưu sinh 15 năm trời vừa gánh vác cuộc sống lay lắt của hai người lớn và một đứa nhỏ ở mom sông, vừa phải chăm lo cho đứa con lớn đang sống với ngoại ở quê nhà An Giang vốn đã chòng chành giữa bữa no bữa đói, nói gì đến chuyện học hành? Đã đành là không có tiền cho con vào cấp II, nhưng sau chừng đó năm trời sống không giấy tờ, không giấy khai sinh, không một liên hệ nào với địa phương, anh Thành dăm lần làm liều ra trường dò hỏi cách đăng ký cho con nhập học, đều bất thành. Ngoài lòng ham học, mọi thủ tục nhập học Xuân đều không thể đáp ứng. Vậy nên, bữa tiệc sinh nhật hôm cuối tháng Tư đó, chị Thúy bạo gan mời cả lớp học về mái nhà hẻo lánh của mình là để mừng tuổi con, mà cũng để tạo cho con một kỷ niệm đẹp cuối cùng về trường lớp, bạn bè. Bữa tiệc để lại những món quà lấp lánh sáng, cùng thông tin giải tán lớp học làm đứa nhỏ vừa được mừng tuổi đã thu mình bật khóc.

Những đứa trẻ đói...chữ
Khu nhà tạm bợ dựng lên từ những con thuyền cũ rách, cách con lộ gần 1km sau một khu đất trống bạt ngàn

TIẾNG KHÓC ĐÒI CHỮ

Tiếng khóc đòi chữ đó còn rấm rứt thâu đêm ở căn nhà trọ của một xóm lao động Q.7, trở thành nỗi ám ảnh của người đàn bà ngoài 80 tuổi Huỳnh Thị Cúc. Đợt đó, dắt đứa nhỏ 14 tuổi đi khắp các trường trung học cơ sở ở Q.7 đều nhận được câu trả lời là những khoản học phí, bà đành dắt cháu về. Đứa cháu vốn sống hướng nội lại càng thêm khép kín. Ngoài những chuyện trò trên đường đi xin nhập học, Tú chỉ lẳng lặng phụ việc nhà rồi về nằm một góc phòng, để đến đêm, khi cả xóm lặng tăm, bà Cúc lại nghe tiếng khóc.

Sáng 27/5, ở quán cơm Nụ Cười 3 (1.276 Huỳnh Tấn Phát, Q.7), sau buổi họp phụ huynh về chương trình bảo trợ học tập do quán cơm tổ chức cho các em nhỏ đặc biệt khó khăn như Tú, như Xuân, bà Cúc cứ chép miệng mà nói với nước mắt lưng tròng: “Hồi đó có nằm mơ tui cũng không nghĩ thằng Tú lại được đi học”. Bà cẩn thận giải thích thêm, “hồi đó là tính cả cái hồi tui còn lột tỏi thuê, kiếm mỗi ngày hai, ba chục ngàn đồng để nuôi cháu”. Người đàn bà đang vẻ mãn nguyện chợt mếu máo. Cái đoạn “lột tỏi thuê” như đã làm ký ức của bà trôi về đoạn đời trước đó nữa. Một ngày giữa năm 2008, bà lặn lội từ Q.7 xuống Thủ Thiêm (Q.2), đem thằng Tú mới 4 tuổi lem luốc, ngơ ngác về nuôi sau khi ba mẹ nó bị bắt vì bán ma túy.

Vài năm sau, được tin con ra tù, niềm khấp khởi khiến bà trót gieo vào Tú niềm hy vọng rằng, nó “sắp có mẹ”. Đến khi người mẹ biệt tăm không về, đứa trẻ kiệm lời càng như rơi vào một hố sâu cách biệt, mọi ý chí đều dồn hết vào mục tiêu “phải học”. Bước cùng cháu qua một đoạn dài để theo đuổi chuyện học, lúc trút được một phần gánh lo khi Tú được bảo trợ học phí, bà mới như vừa nhìn thấy những hành trang bấy lâu của mình: “Tui là người bảo hộ duy nhất của thằng Tú, mà lúc hết cách, tui đành phải dắt nó đi khắp nơi, tự nhận vào cái tiếng “trẻ mồ côi” để mong nó được xét cho đi học. Nhiều lúc mình bất lực tới nỗi tiếng mồ côi cũng trở thành vốn liếng được, tủi buồn lắm cô”.

TỰ LỰC MƯU SINH ĐỂ NUÔI CON CHỮ

“Nếu không gọi được cho em thì chị có thể liên hệ với ai?” – tôi hỏi Bá Vương, rồi thấy em ngập ngừng: “Dạ em không có ai, từ lúc vào được đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7 để học tiếp, em chỉ còn một mình”. Tôi chợt thấy bẽ bàng, giống như cảm giác tôi từng có khi đối diện Bích Liên – sinh năm 1997, cô gái cũng một mình dứt khỏi vùng quê Tịnh Biên (An Giang) để lên thành phố, đi học. Cả Liên và Vương đều đang học cấp II ở độ tuổi 21, 22. Hai đứa trẻ xa lạ, ở vùng quê khác nhau, nhưng cùng chịu cảnh ly tán vì cha mẹ chia tay, phải nương nhờ nhà ngoại. Cả hai đều bỏ học lần đầu sau khi học hết tiểu học, sau 5 năm liền là học sinh xuất sắc. Ở Vĩnh Long, Vương theo các chú trong xóm lên Sài Gòn, phụ quán rồi xuống làm công nhân ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Còn ở An Giang, Liên lên Bình Dương, làm công nhân may giày trong một công xưởng của người Hàn Quốc.

Lúc lên Sài Gòn phục vụ cho một quán cóc, rồi lại vòng xuống Đồng Nai làm công nhân, từ một đứa trẻ chỉ bôn ba kiếm từng bữa cơm, Vương đăng ký làm mỗi ngày hai ca, kiếm hơn 3 triệu đồng/tháng để có thể vừa phụ cấp cho người dì từng cưu mang mình, vừa dành dụm đặng “tìm đường đi học”. Lúc gọi điện về quê báo tin vui về công việc, nghe người thân kể “thầy hiệu trưởng vào tìm mày, kêu mày ra trường đặng thầy lo cho đi học”, Vương mừng đến cuống cuồng, lập tức nghĩ đến việc từ bỏ công việc để về quê. Đến khi gọi điện lại để xác nhận thông tin, Vương mới nghe cặn kẽ câu chuyện qua một tràng cười xuê xoa của người thân: “Chuyện đã 3 năm rồi, ổng vô tìm mày hồi mày mới đi Sài Gòn kia, nhưng cả nhà thấy mày đang đi làm có tiền nên không dám nói. Giờ thì thôi chứ, về làm gì nữa”.

Vương “thôi”, chấp nhận ở lại phân xưởng giày da đó gần 3 năm. Dành dụm được vài triệu đồng, Vương quyết về Sài Gòn, xin vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7. Hy vọng học hành vừa lóe lên thì Vương được gặp mẹ. Lần đầu tiên sau 17 năm tồn tại trên đời, Vương được mẹ cung cấp cụ thể địa chỉ của cha ruột ở Hà Nội, rồi dặn “đi tìm nhận lại cha”. Công cuộc nhận cha cần thêm một cuộc dành dụm khác nữa. Vương gác việc nhập học, xin đi làm phục vụ cho đến khi đủ tiền ra Hà Nội, nhận họ hàng bên nội. Cuộc đoàn viên vừa diễn ra thì ở TP.HCM, mẹ Vương qua đời. Vương trở về với giấc mơ thật thà nhất về việc học, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7.

 

Những đứa trẻ đói...chữ
Bích Liên tất bật dọn dẹp dù nhà hàng đang vắng khách.

Đoạn đời lẽ ra chỉ đơn thuần là chuyện sách vở dưới một mái trường, trong vòng tay người thân và bè bạn lại quá đỗi cô độc trước những diễn tiến dồn dập, trớ trêu. Nhưng trớ trêu kia phải đâu là cá biệt? Ở Q.7, Q.4, hay bất kỳ quận nào có những quán xá cần lao động giá rẻ của thành phố phồn hoa này, người ta cũng dễ dàng bắt gặp một câu chuyện tương tự, một giấc mơ học hành nhọc nhằn tương tự. Có điều, những “nữ sinh”, “nam sinh” ấy đang miệt mài trong vai phục vụ, công nhân, hay một người rửa chén, một đứa bé nhặt ve chai mà chỉ cần nghỉ tay là sự học, hay cả sự sống cũng cùng đường.

Gặp nhau trong một nhà hàng ở đường Nguyễn Thị Thập, thấy Bích Liên quần quật dù quán đang vắng khách, tôi hỏi “dọn dẹp suốt từ 14g đến 23g có quá sức không”, Liên cười: “Dạ cũng có lúc mệt, nhưng không ngừng được vì đây là tất cả mọi nguồn sống của em”. Liên làm việc đến 23g, rồi sáng sớm mai lại học đến hơn 11g trưa. Guồng quay này đã “chạy” từ 10 năm nay, ngay cả khi em chưa đến trường. Chỉ có khác là từ khi em kiên quyết cầm 4 triệu đồng, bắt xe lên bến xe Miền Tây, rồi đi xe ôm sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.7 để xin nhập học, thì ca làm buổi sáng được chuyển sang buổi đêm, nhường chỗ cho giờ học.

Tôi rời nhà hàng đang vào giờ tất bật đón khách, để Liên trở lại “guồng quay không được phép dừng lại” sau khi nghe em chia sẻ dự định “làm thêm vào buổi sáng trong hè”. Ngoài đường phố, thế giới tuổi thơ vốn đã rộn rã vào hè. Nhưng, khi guồng quay mưu sinh hà khắc và bất tận, khi những ánh sáng yếu ớt chực chờ hết pin, khi vốn liếng sống là sự bấu víu vô vọng vào chính sự thiệt thòi của số phận, còn khát khao học hành cứ cuồn cuộn, mãnh liệt như thế thì mùa hè có khi lại là một nỗi ám ảnh, nỗi ám ảnh mang tên “lớp học tình thương đóng cửa”, hay một quỹ học bổng ngưng hỗ trợ.

Những đứa trẻ đói...chữ
Buổi họp với phụ huynh các em

Những đứa trẻ đói...chữ
Thực hiện: Minh Trâm
Kỹ thuật: Ngô Tới
Báo Phụ Nữ TPHCM

BA NĂM NHÌN LẠI

CHƯƠNG TRÌNH EM ĐẾN TRƯỜNG – BA NĂM NHÌN LẠI
THÁNG 09/2014 – THÁNG 09/2017

 Từ những ngày đầu khai trương hồi tháng 5-2013, Nụ Cười 3 đã tiếp đón khoảng 20 thực khách nhí khá hiếu động được một vài sinh viên đưa đến ăn trưa. Hỏi ra mới biết đây là các học sinh của Lớp học Tình thương Bà Mười ở cách quán không xa. Cha mẹ các em là những người lao động nghèo, thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày nên không đủ tiền cho con đi học.

Chưa có thống kê chính xác nào cho thấy tại thành phố đông dân nhất nước này có bao nhiêu đứa trẻ đáng ra ngày ngày được ngồi ghế nhà trường thì lại lang thang ngoài đường kiếm sống để phụ giúp ba mẹ quanh năm túng thiếu.

Đó chính là lý do thúc đẩy những tấm lòng nhân ái đứng ra tự mở các lớp học tình thương, phải vượt qua biết bao trở ngại để đưa chữ nghĩa đến với con cái của những người nghèo khó.

Ngay từ lúc đó chúng tôi cảm nhận đây cũng là nơi Nụ Cười 3 có thể góp sức trong khả năng của mình. Vì vậy khi chương trình Em Đến Trường ra đời vào đầu niên học 2014-2015 thì một trong những hoạt động ưu tiên là đồng hành với các Lớp học Tình thương.

Ba năm qua, nhờ sự giúp đỡ đường dài của một số nhà hảo tâm thân thiết, Em Đến Trường đã cùng chia sẻ khó khăn với tổng cộng 5 Lớp học Tình thương (LHTT Hòa Hảo, Bà Mười, Vinh Sơn, Tân Hưng, Vĩnh Hội) bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau, từ việc hỗ trợ một phần tiền thuê nhà, đến trả lương các giáo viên, hay trợ giúp chi phí điều hành, đồng thời chăm lo việc học cho một số học sinh gia cảnh nghèo nhất.  

1_1

2_1

 Được sự đỡ đầu của trường tiểu học tại địa phương, hàng năm các lớp học tình thương mà Em Đến Trường cùng chung tay như Vinh Sơn, Vĩnh Hội, Tân Hưng, Bà Mười đều tổ chức đầy đủ các đợt thi học kỳ và được nhà trường cấp học bạ từ lớp 1 đến lớp 5 cho học sinh.

Được như vậy là cả một nỗ lực rất lớn của những người phụ trách, giúp cho các học sinh sau khi hoàn thành chương trình tiểu học có thể xin vào cấp 2 trường công lập.

Tuy nhiên, ngoài một số ít may mắn được gia đình cố gắng lo tiền học “đến đâu hay đến đó”, phần lớn các em đành phải bỏ học và trở lại công việc kiếm sống. Trong số này có nhiều em rất hiếu học nhưng ước mơ đến trường trở nên quá xa vời – các em không có lựa chọn nào khác.

Thế là chúng tôi đứng ra làm cầu nối, vận động các thân hữu theo đó mỗi người nhận bảo trợ một hoặc nhiều học sinh cho từng năm học, với chi phí mỗi em khoảng trên dưới 4 triệu đồng/năm (tuỳ theo từng trường) bao gồm: học phí, đồng phục, sách giáo khoa và bảo hiểm y tế.

Việc hỗ trợ sẽ được xem xét lại từng niên học, dựa theo kết quả học tập cuối năm và dựa theo sự hợp tác của phụ huynh.

Năm học 2015-2016, 5 học sinh đầu tiên đã được chương trình lo toàn bộ chi phí Lớp 6.

Năm học tiếp theo, con số này tăng lên 13 em.

Bước vào năm học 2017-2018, Em Đến Trường nhận bảo trợ tổng cộng 31 học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, với mục tiêu trước mắt là giúp các em hoàn thành bậc trung học.

Sau khi tốt nghiệp Lớp 12, học sinh được khuyến khích thi vào các trường cao đẳng hay đại học.

Nếu không tiếp tục học lên, Chương trình “Nụ Cười 3-Em Đến trường” sẽ giới thiệu học sinh đến các dự án “Hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí” với các khóa học nghề ngắn hạn như nghiệp vụ nhà hàng, uốn tóc, may công nghiệp, sửa xe máy, điện lạnh…..

Ngoài chương trình học nghề, các em còn được học thêm tiếng Anh giao tiếp và tin học cơ bản, để có thể tự tin hòa nhập vào đời sống xã hội và dễ kiếm được việc làm hơn.

 4.1(1) (1)

5_1

thoAmoi

            Ngoài ra, từ tháng 11-2014, Em Đến Trường có thêm chương trình “Bữa ăn miễn phí đầy đủ dinh dưỡng” cho trẻ em nghèo, mà 20 thực khách nhí đến với quán cơm thời kỳ đầu chính là một gợi ý. Hiện nay chúng tôi đang cung cấp tổng cộng 325 suất cơm vào các trưa thứ 2, 4, 6 cho học sinh của bốn Lớp học Tình thương Bà Mười, Vinh Sơn, Tân Hưng và Vĩnh Hội. 

Cơm nhà nghèo thì hầu như đạm bạc, vì vậy bữa cơm ngon miệng tại lớp học không chỉ tiếp thêm động lực đến trường cho học sinh, mà còn là niềm vui của cha mẹ các em. Hôm nào được đãi món nước thì với cả lớp đúng nghĩa là “phở hạnh phúc”, “bún bò hạnh phúc”…… 

6_2

7_1

Lo chuyện học cho 31 trẻ em nhà nghèo sau 3 năm hoạt động: quả thật cũng mới chỉ là một hạt muối bỏ biển!

Với khả năng đang còn rất hạn hẹp, chúng tôi mong có thêm những người bạn đồng hành để giúp đỡ nhiều học sinh nghèo có điều kiện đến trường, để may ra cuộc sống sau này đỡ khổ hơn cha mẹ của chúng.

Mong sao ước mơ này sẽ trở thành sự thật. Bởi đôi khi chúng ta không thể ngờ rằng chỉ một việc làm đơn giản cũng có thể đổi thay được một số phận.